TRƯỜNG GIÁO LÝ VIỆT NGỮ ĐAMINH SAVIÔ
Mượn lời bài hát “HỌC SINH HÀNH KHÚC” của nhạc sĩ Lê Thương sáng tác năm 1950: “Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau. Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao…Học sinh là mầm sống của ngày mai. Nung đúc tâm hồn để nối chí lớn….!”
TRƯỜNG GIÁO LÝ VIỆT NGỮ (GLVN) – GIÁO XỨ CHÚA KITÔ VUA:
Có chung niềm thao thức như bao Trường GLVN khác tại Hải Ngoại. Thao thức vì một tương lai thế hệ trẻ:
. Cần được GIỮ GÌN TIẾNG VIỆT.
. Cần được GIEO TRỒNG MẦM SỐNG.
Vì “Học sinh là mầm sống của ngày mai”, mầm sống của GIÁO XỨ và của GIÁO HỘI.
. Cần được NUNG ĐÚC TÂM HỒN để nuôi dưỡng ĐỨC TIN CÔNG GIÁO.
Do đó, các lớp GLVN đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu cần thiết của sứ vụ trồng người, mặc dù có rất nhiều khó khăn trở ngại từ thuở ban đầu. Thầy cô là những thiện nguyện viên đầy tâm huyết, sẵn sàng hy sinh thời giờ để đến với các em bằng tình thương và trách nhiệm. Từ việc đánh vần A (a), B ( bê), C ( xê), D ( dê), Đ ( đê)……cho đến những bài tập đọc đơn giản ngắn gọn hay những câu ca dao tục ngữ: “Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn“. Những bài học rèn nhân cách, sự lễ phép và ứng xử của các em trong gia đình theo nếp sống văn hóa Việt Nam.
Ngoài việc giữ gìn tiếng Việt và phong tục tập quán Việt Nam, trường GLVN Chúa KiTô Vua luôn quan tâm nhiều hơn việc giáo dục ĐỨC TIN cho các em: Hai lớp quan trọng nhất để các em lãnh nhận các BÍ TÍCH cần thiết trong đời sống KITÔ HỮU và lớn lên trong NIỀM TIN CÔNG GIÁO là lớp RƯƠC LỄ LẦN ĐẦU và lớp THÊM SỨC.
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15) Hay Thánh Phaolo nói “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Sứ vụ rao giảng Tin Mừng là bổn phận của mỗi người KiTô hữu được Thiên Chúa sai đi. Do đó, tâm niệm của mỗi thầy cô là phải cố gắng đem Lời Chúa đến cho các em và giúp các em thực hành Lời Chúa trong đời sống của mình.
HAI MƯƠI LĂM NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO XỨ CHÚA KITÔ VUA:
Nhìn lại những chặng đường đã qua trường GLVN chúng con rất vui và” tự hào” khi được góp một bàn tay nhỏ bé của mình trong công việc truyền giáo tại Giáo Xứ và chăm lo cho thế hệ tương lai ngày một lớn lên. TẠ ƠN CHÚA ĐÃ CHÚC LÀNH VÀ GÌN GIỮ NHÀ TRƯỜNG CHÚNG CON.
A. NHỮNG GIAI ĐOẠN CHÍNH CỦA TRƯỜNG ĐAMINH SAVIO
I. THỜI GIAN THUỘC GIÁO XỨ SAINT GEORGE (1975 –1995)
Sĩ số các em: khoảng 100, sĩ số thầy cô: khoảng 15
Các thầy cô là những viên gạch đầu tiên xây dựng lớp học thân thương như Thầy Tuyển, Thầy Tài, Thầy Vĩnh Phước, Thầy Hùng, v.v…
Thầy cô lo cho các em học Giáo Lý RLLĐ và Thêm Sức để các em lãnh nhận Bí Tích.
Thời gian này chưa có lớp Việt ngữ. Các phòng học mượn của Giáo xứ Saint George nên mọi sinh hoạt rất hạn chế và thiếu thốn.
II. THỜI GIAN QUA GIÁO XỨ MỚI (1996 – 2005)
Từ một Cộng Đoàn nhỏ bé được tách riêng ra khỏi GX Saint George và trở thành Giáo Xứ Chúa Kitô Vua, đó là một nỗ lực rất lớn của các bậc tiền bối . Ngôi Thánh Đường khang trang, giáo dân ngày một đông hơn, đi Lễ sốt sắng hơn và các em thiếu nhi cũng lớn mạnh không ngừng. Tuy vậy, các lớp học vẫn còn hạn chế nên phải cần thêm những phòng học ở tầng hầm nhà thờ cho các em.
III. GIAI ĐOẠN CÓ HỘI TRƯỜNG VÀ LỚP HỌC MỚI (Năm 2006 – hiện nay)
Hội trường rộng lớn bên dưới, phía trên là các lớp học, gồm 18 phòng bao gồm một văn phòng, một phòng lớn ở giữa để hội họp hoặc sinh hoạt, sau chia phòng này thành 4 phòng nhỏ để có thêm lớp học cho các em.Số học sinh gia tăng rất nhanh, gần 500 em, thiện nguyện viên cũng gia nhập thêm, những tiện nghi cần thiết cho nhà trường và giáo trình giảng dạy cập nhật phong phú hơn.
IV. BAN GIÁM HIỆU QUA CÁC GIAI ĐOẠN.
1990 -1993
Ủy Viên Giáo Lý: Thầy Nguyễn Cao Tuyển
Ban phụ tá: Thầy Lê Vĩnh Phước
1993 -1995
Hiệu trưởng: Thầy Nguyễn Trọng Tài
Ban phụ tá: Thầy Nguyễn Cao Thưởng
1995 -2000
Hiệu trưởng: Thầy Phạm Văn Hùng
Phó ban Giám Hiệu: Thầy Lê Vĩnh Phước
2001 – 2003
Hiệu trưởng: Thầy Tạ Đình Thiện
Phó ban Giám Hiệu: Thầy Vũ Đức Tiến
2003 – 2010
Hiệu trưởng: Thầy Trịnh Công Luân
Phó Giáo Lý: Thầy Nguyễn Cao Thưởng, Phó Việt ngữ: Cô Vũ Thị Hằng
Thư ký: Thầy Hoàng Gia Chính, Thủ quỹ: Cô Nguyễn Thị Hiên, Giám thị: Thầy Nguyễn Đức Chính, Văn nghệ: Cô Vũ Đoan Trang, Báo chí: Cô Nguyễn Diễm Trang.
2010 – 2015
Hiệu trưởng: Thầy Vũ Minh Nhật
Phó Giáo Lý: Trịnh Công Luân, Phó Việt ngữ: Cô Vũ Thị Hằng, Thư ký: thầy Bùi Gia Linh và cô Vũ Thu Hà. Giám thị: Thầy Nguyễn Đức Chính, Thủ quỹ: Cô Nguyễn Thị Hiên, Văn nghệ báo chí: Cô Nguyễn Diễm Trang.
2015 – hiện nay
Hiệu trưởng: Thầy Nguyễn Cao Thưởng
Phó Giáo Lý: Thầy Trịnh Công Luân, Phó Việt ngữ: Cô Nguyễn Thu Thủy, Thư ký: Thầy Nguyễn Văn Phương, Thủ quỹ: Cô Nguyễn Thị Hiên, Giám thị: Thầy Nguyễn Đức Chính, Văn nghệ báo chí: Cô Nguyễn Diễm Trang.
B. NHỮNG SINH HOẠT CỦA TRƯỜNG HIỆN NAY
- Chương trình năm học :
Gồm 27 tuần học và 8 tuần nghỉ hoặc thay đổi tùy theo những sinh hoạt của Giáo Xứ.
Có 10 cấp lớp từ 1 đến 10, tổng cộng khoảng 18 lớp. Tổng số các em hiện nay gần 500 em. Ngày Khai Giảng thường bắt đầu vào tháng 8 và Bế Giảng vào tháng 5.
Mỗi tuần các em học một giờ GIÁO LÝ và một giờ VIỆT NGỮ.
- Sinh hoạt trong năm.
. Tĩnh Tâm: Mời các Cha đến hay Frere Phong về giảng Tĩnh Tâm cho thầy cô và học sinh theo khối lớp nhỏ và lớp lớn.
. Tết Trung Thu: Thi đua làm lồng đèn, rước đèn trung thu, phát quà bánh, văn nghệ và vui chơi.
. Giáng Sinh : Các lớp có những sinh hoạt như vẽ cây thông, vẽ hang đá , ông già Noel hay những đố vui Giáo Lý, xem phim về Giáng Sinh. Ông Bà già Noel đi vòng vòng các lớp để phát quà và chụp hình chung. Sau đó các em được vui tiệc Giáng Sinh tại Hội Trường .
. Tết Nguyên Đán: Vui nhộn không kém. Các lớp thi đua làm Bích Báo, trang trí, viết bài, vẽ tranh, làm thơ, sưu tầm về Tết Việt Nam. Cô phụ trách ban Bích Báo phối hợp với một vài Ban ngành đại diện, chấm điểm cho các em. Thật vui, khi được đọc những bài các em viết tiếng Việt rất dễ thương và đơn sơ. Mục đích giúp các em thi thố tài năng và kiến thức về văn hóa Việt Nam mà các em học được từ nhà trường, từ gia đình và qua báo chí truyền thông. Có 3 giải thưởng : Nhất- Nhì- Ba và các giải khuyến khích để khích lệ tinh thần các em và các lớp tham gia.
- Sinh hoạt của Giáo Viên.
Họp đầu năm trước ngày khai giảng vài tuần và Tĩnh Tâm . Dọn dẹp và sắp xếp bàn ghế cho lớp học của mình. Soạn Giáo Trình cho cả năm học và Soạn Giáo Án cho từng bài học. Học và cập nhật mỗi 2 năm một lần Lớp Bảo Vệ Trẻ Em theo luật của Địa Phận Fort Worth.
Thường xuyên bồi dưỡng Kinh Thánh theo những khóa học của Địa phận nếu có hoặc có lớp học Kinh Thánh qua Video tại Trường sau giờ tan học. Tham dự lớp huấn luyện GLV căn bản ( Basic Certification for Catechists). Tham dự Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc được tổ chức mỗi hai năm một lần hoặc có sự thay đổi tùy năm. Trước đây tề tựu về Cali, sau này tổ chức tại Baton Rouge- Louisiana, những năm gần đây tại Houston Texas.
Trau dồi những khóa Việt ngữ của Giáo Sư Quyên Di ((Ngôn ngữ học trường ĐH, CA ) qua online hoặc có khóa tại Arlington. Giáo sư cũng khuyến khích các Cô mặc những chiếc áo dài đến lớp để giữ nét đẹp mô phạm và giữ nét văn hóa Việt nơi Xứ Người.
4. Hai lớp Rước Lễ và Thêm Sức.
Họp phụ huynh đầu năm và giữa năm. Ngày RLLĐ và ngày Thêm Sức thường được xếp lịch vào những tuần sau khi kết thúc năm học.
LỚP RLLĐ: Được khảo kinh và khảo Giáo lý nhiều lần trong năm. Tập xưng tội và những nghi thức cho ngày trọng đại Rước Chúa lần đầu.
LỚP THÊM SỨC : cũng được khảo kinh và khảo bài thường xuyên trong năm, cũng như nhiều project do Thầy Cô phụ trách hướng dẫn.
Đặc biệt: Chương trình EPHATA, Tĩnh Tâm 3 ngày (bắt buộc) đối với các em lớp Thêm Sức trong Mùa Chay, vào dịp nghỉ Spring Break ở các Trường.
Chương trình do Cha Việt Hưng biên soạn và chính Cha đến từng Giáo Xứ giúp Tĩnh Tâm cho các em. Nhiều Giáo xứ đã áp dụng chương trình EPHATA này và gặt hái được nhiều thành công cho các em. Đó là giúp các em mở mắt, mở lòng, nhìn lại chính mình và trưởng thành hơn để đón nhận Ơn Chúa Thánh Thần qua cuộc sống và vững vàng bước vào đời trong Ơn Gọi là con cái Chúa. Hầu hết các em được đánh động tâm hồn qua buổi Tĩnh Tâm này với một kỷ niệm không thể nào quên trong đời sống các em.
5. Nhân sự tại Trường.
Đội ngũ Thầy Cô tương đối hùng hậu và “Hightech “ để bắt kịp với nhịp sống hiện nay.
Thầy Cô là những Bác Sĩ, Dược Sĩ, Kỹ Sư, Giáo Viên, Nhân Viên, Công nhân, Nghỉ hưu…..và đủ mọi ngành nghề trong Xã Hội nhưng đến đây có cùng một công việc là đem Lời Chúa đến cho các em và đem Tiếng Việt bằng cả tâm tình yêu thương, giúp các em trở thành người tốt cho Giáo Hội và Xã Hội. Tổng số : Hơn 60 thầy cô.
. Tuổi 18-30 : Gồm các thầy cô lớn lên từ học sinh của trường , một số là con của Thầy Cô. “Tre già măng mọc”, các em rất năng động và kiến thức cũng phong phú, tiếng Việt lại vững vàng không kém, các em xứng đáng là một đội ngũ kế thừa tuyệt vời của Nhà Trường!
. Tuổi 31 – 40 : Một số ít hơn.
. Tuổi 41- 50: Đông hơn, thầy cô phần lớn là những thế hệ sinh gần và sau 1975, giờ đây cũng đã “già”, rất nhiệt tình, tài năng và hăng say trong công việc .
. Tuổi 51-60 : Đông nhất. Các thầy cô là những “học trò” ít nhiều được ngồi trên ghế nhà trường trước 1975, được học hỏi những “tinh hoa” của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà, mà bây giờ, khi nhắc đến, chữ nghĩa và những bài học thuộc lòng khi xưa vẫn còn như in trong tâm trí. Bài Quốc Ca Việt Nam vẫn hùng hồn hát đi hát lại:
“Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi …” các học trò này giờ tóc đã hoa râm, nhưng tâm hồn luôn trẻ, nhiệt huyết và kinh nghiệm .
. Tuổi 61- 74: Thầy Cô “ lão làng” là những tấm gương cho đàn em noi theo vì vẫn bám trụ nghề nghiệp khi tuổi tác và khả năng còn cho phép, đến với tất cả tình thương và những kinh nghiệm có được trong Đức Tin và cuộc sống.
. Các Thầy Giám Thị (Security):
Giám sát hành lang và khuôn viên Nhà Trường, đưa đón các em qua đường , hướng dẫn phụ huynh không được phép vào lớp học vì sự an toàn chung theo luật Bảo Vệ Trẻ Em của Địa Phận. Theo dõi các em trốn học, giữ gìn trật tự chung và những việc phụ giúp khác.
. Thầy cô giúp linh tinh: Giúp ở văn phòng hoặc giúp quầy bánh kẹo được bán trong giờ ra chơi. Tập cho các em dạn dĩ mua quà bánh và vui đùa thoải mái hơn.
Xin được tri ân tất cả Quý Thầy Cô đã gắn bó lâu năm với Nhà Trường và vẫn luôn hăng say trong công việc trồng người mà Chúa đã giao phó. Thầy Cô thật xứng đáng là những viên gạch đầu tiên và vẫn còn là những viên gạch làm nền móng vững chắc cho ngôi trường Đaminh Savio ngày một phát triển .
6. Trang thiết bị.
Nhà trường hiện nay được trang bị khá đầy đủ máy móc thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy. Máy chiếu Projector, Computer, Printer, Copy và những trợ huấn cụ khác cho từng lớp học như giấy, bút, màu vẽ, bảng, không thiếu thứ nào. Có thầy “chuyên viên” về computer, máy móc, đáp ứng mọi kỹ thuật cho nhà trường. Thầy âm thầm theo gót chân Nhà Trường từ năm này qua năm khác.
TÂM TÌNH TRI ÂN
… “Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới, loan tình thương tình thương Chúa Trời, loan niềm vui niềm vui cứu đời cho mọi người và mọi nơi…Bao người đã hy sinh, say tình Chúa quên mình…”( Trích bài “Đẹp Thay” của Lm Mi Trầm)
Cùng với niềm vui Hai Mươi Lăm Năm thành lập Giáo Xứ, trường GLVN Đaminh Savio chúng con xin TẠ ƠN CHÚA, MẸ MARIA và THÁNH CẢ GIUSE đã ban cho chúng con muôn Hồng Ân từ bàn tay yêu thương của THIÊN CHÚA.
Chúng con xin tỏ lòng biết ơn đến Quý Cha Chánh Phó Xứ, Quý Cha cựu GX và Hội Đồng Mục Vụ, cùng các Ban Ngành, Quý Phụ Huynh và Quý vị ân nhân qua các nhiệm kỳ và năm tháng đã luôn quan tâm nâng đỡ, cầu nguyện, ủng hộ vật chất cũng như khích lệ tinh thần cho chúng con trong việc giáo dục ĐỨC TIN và gìn giữ TIẾNG VIỆT cho các em.
Không quên cảm ơn các em học sinh vì không có các em học sinh thì thầy cô không thể được làm thầy! Các em đã ngoan ngoãn học hành và đến trường đều đặn, biết vâng lời Cha Mẹ, yêu mến gia đình , thầy cô bạn bè, quan tâm hết mọi người và yêu mến tha nhân. Đặc biệt là YÊU MẾN CHÚA trong đời sống ĐỨC TIN của các em. Đó là niềm vinh dự cho thầy cô trong Sứ Vụ Truyền Giáo mà không gì vui hơn trong niềm tin vào ĐỨC KITÔ.
XIN TRI ÂN TẤT CẢ NHỮNG TẤM LÒNG “SAY TÌNH CHÚA QUÊN MÌNH” ĐỂ CÙNG NHAU XÂY DỰNG MỘT GIÁO XỨ YÊU THƯƠNG, HIỆP NHẤT VÀ VỮNG MẠNH!